Ngày 15 tháng 1 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 09/2018/NĐ-CP (“Nghi định 09”) quy định chi tiết Luật thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thay thế Nghị định 23/2007/NĐ-CP (“Nghị định 23”).

Để giúp các doanh nghiệp  hiểu và áp dụng các quy định mới của Nghị định 09 này, GKL xin được làm rõ một số điểm mới nổi bật như sau:

– Về các định nghĩa, khái niệm:

Nghị định 09 đã làm rõ hơn khái niệm hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa, bao gồm các hoạt động sau: thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, phân phối; cung cấp dịch vụ giám định thương mại; cung cấp dịch vụ logistic; cho thuê hàng hóa, không bao gồm cho thuê tài chính; cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại, không bao gồm dịch vụ quảng cáo; cung cấp dịch vụ trung gian thương mại; cung cấp dịch vụ thương mại điện tử; cung cấp dịch vụ tổ chức đấu thầu hàng hóa, dịch vụ.

Đồng thời cũng bổ sung thêm một loạt các khái niệm cần thiết như: Cơ sở bán lẻ; cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, trung tâm thương mại, dịch vụ thương mại điện tử, tài liệu tài chính, v.v.

– Về các trường hợp phải xin cấp Giấy phép:

Một trong những điểm mới nổi bật của Nghị định 09 là mở rộng việc cấp giấy phép kinh doanh cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài không thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cùng với nhà đầu tư nước ngoài thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước mà Việt Nam là thành viên nhưng không có cam kết mở cửa với hàng hóa, dịch vụ muốn kinh doanh cũng thuộc đối tượng được cấp giấy phép.

– Về thẩm quyền cấp giấy phép:

Nghị định 09 thống nhất Cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh, Giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ là Sở Công thương thay vì phân quyền cho Ủy ban nhân dân tỉnh như Nghị định 23 trước đây. Đồng thời, cũng giảm số trường hợp cấp, điều chỉnh Giấy phép mà cơ quan cấp Giấy phép buộc phải lấy ý kiến Bộ Công thương hoặc các Bộ chuyên ngành, làm giảm thiểu các thủ tục hành chính.

– Về điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh:

Nghị định mới đã giản lược và làm rõ các yêu cầu đối với nhà đầu tư nước ngoài thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Theo đó, đối với trường hợp buộc phải cấp Giấy phép, nhà đầu tư nước ngoài thuộc nước đã tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có cam kết mở cửa thị trường cho hoạt động mua bán hàng hóa sẽ được cấp Giấy phép kinh doanh nếu: Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên; Có kế hoạch về tài chính để thực hiện hoạt động đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh…

Đối với nhà đầu tư nước ngoài không thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì ngoài điều kiện nêu trên còn phải đáp ứng thêm các tiêu chí: Phù hợp với mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trong cùng lĩnh vực hoạt động; Khả năng tạo việc làm cho lao động trong nước; Mức độ đóng góp cho ngân sách Nhà nước.

Trường hợp hàng hóa kinh doanh thuộc nhóm hàng hóa Việt Nam chưa cam kết mở cửa thị trường như gạo, đường, vật phẩm đã ghi hình, sách, báo và tạp chí, sẽ xem xét cấp phép thực hiện quyền phân phối bán lẻ cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã có cơ sở bán lẻ dưới hình thức siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi.

– Về điều kiện lập cơ sở bán lẻ:

Nghị định mới đã quy định cụ thể điều kiện lập cơ sở bán lẻ và căn cứ xem xét chấp thuận cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ.

Để lập cơ sở bán lẻ thứ nhất, nhà đầu tư phải có kế hoạch tài chính, không nợ thuế quá hạn và địa điểm lập cơ sở bán lẻ phải phù hợp với quy hoạch có liên quan. Từ cơ sở bán lẻ thứ hai trở đi, sẽ căn cứ vào việc có hay không cần phải kiểm tra nhu cầu kinh tế. Các trường hợp cần kiểm tra nhu cần kinh tế (“ENT”) cùng với tiêu chí kiểm tra, trình tự, thủ tục cũng đã được quy định tương đối rõ ràng.

Bộ Công thương sẽ căn cứ vào sự phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực của vùng, quốc gia để chấp thuận cấp phép cho đối tượng là nhà đầu tư nước ngoài thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không thuộc đối tượng này thì sẽ căn cứ thêm vào các yếu tố khác như tiến trình đàm phán, mở cửa thị trường của Việt Nam; nhu cầu mở cửa thị trường của Việt Nam; Chiến lượn hợp tác với đối tác nước ngoài của Việt Nam; quan hệ ngoại giao, vấn đề an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

– Về trình tự, thủ tục cấp Giấy phép:

Trình tự cấp mới Giấy phép thành lập cơ sở bán lẻ được quy định riêng biệt cho từng trường hơp: cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ thứ nhất, cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở thứ nhất không phải thực hiện ENT và cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất thuộc trường hợp phải thực hiện ENT. Nhìn chung đã được rút ngắn, thay vì 15 ngày như Nghi định 23, trong thời hạn 7 hoặc 10 ngày tùy trường hợp kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp Giấy phép phải hoàn thành kiểm tra việc đáp ứng điều kiện; trong vòng 7 hoặc 10 ngày tùy trường hợp kể từ ngày nhận hồ sơ, Bộ Công thương phải có văn bản chấp thuận hoặc văn bản từ chối nêu rõ lý do.

Hồ sơ cấp Giấy phép kinh doanh đã được hướng dẫn cụ thể hơn tại Nghị định mới, cùng với đó, các trình tự, thủ tục cũng được đơn giản hóa và giảm thiểu. Ví dụ như thời hạn cấp Giấy phép đã được giảm từ 15 ngày xuống còn 10 ngày đối với trường hợp không cần xin ý kiến Bộ Công thương và các bộ chuyên ngành, trường hợp cần xin ý kiến giảm từ 30 ngày xuống còn 28 ngày.

Ngoài những vấn đề nêu trên, Nghị định 09 còn quy định chi tiết các vấn đề liên quan như chế độ báo cáo, gửi, lưu trữ giấy phép và công bố thông tin; các hình thức xử lý vi phạm quy định của Nghị định và các trường hợp áp dụng.

Qua đó, so với nghị định Nghị định 23 thì Nghị định 09 có nhiều điểm mới tiến bộ hơn và cũng đã quy định chi tiết, rõ ràng hơn về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Hy vọng đây là tiền đề thuận lợi để doanh nghiệp có vốn đầu tư nước phát huy vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.