CÔNG TY LUẬT TNHH MTV TRI THỨC VÀNG

CÔNG TY LUẬT TNHH MTV TRI THỨC VÀNG

Người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam

Người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam

Hiện nay, những quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã được Bộ luật lao động và những văn bản dưới luật điều chỉnh một cách cụ thể. Theo đó, người lao động nước ngoài khi vào làm việc tại Việt Nam chỉ được thông qua một trong các hình thức đã được quy định cụ thể tại Điều 2 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP [“Nghị định 11”] có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 04 năm 2016. Bài viết này GKL xin được tập trung đề cập đến hình thức người lao động nước ngoài là nhà quản lý, chuyên gia và lao động kỹ thuật.

Về vị trí chuyên gia nước ngoài

Trước hết, chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam được định nghĩa là người lao động nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Có văn bản xác nhận là chuyên gia của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài; hoặc
  • Có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam; trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

So với quy định cũ [Nghị định 102/2010/NĐ-CP quy người lao động nước ngoài với tư cách là chuyên gia phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm], Nghị định 11 đã giảm điều kiện về số năm kinh nghiệm làm việc của người lao động nước ngoài là chuyên gia nhưng đồng thời yêu cầu cụ thể kinh nghiệm đó phải trong chuyên ngành được đào tạo và phải phù hợp với vị trí công việc mà chuyên gia này sẽ làm việc tại Việt Nam.

Liên quan đến văn bản chứng minh là chuyên gia, ngoài bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam, theo Thông tư số 40/2016/TT-BLDTBXH (“Thông tư 40”) hướng dẫn Nghị định 11 quy định rằng chuyên gia đó cũng có thể cung cấp văn bản xác nhận mình là chuyên gia do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (nơi họ đang hoặc đã từng công tác) tại nước ngoài cung cấp. Văn bản này yêu cầu phải nêu đầy đủ các thông tin cơ bản như: tên cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xác nhận; thông tin về chuyên gia: họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch và ngành nghề của chuyên gia phù hợp với vị trí công việc mà chuyên gia này sẽ làm việc tại Việt Nam.

Hiện tại, Nghị định 11 và các văn bản hướng dẫn chưa có quy định về mẫu cho văn bản xác nhận, do vậy doanh nghiệp nước ngoài có thể linh hoạt soạn thảo một văn bản xác nhận theo mẫu của tổ chức mình cho người lao động miễn sao đầy đủ các nội dung cơ bản như quy định tại Thông tư 40 nêu trên.

Về vị trí lao động kỹ thuật

Lao động kỹ thuật nước ngoài được định nghĩa là người được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật hoặc chuyên ngành khác ít nhất 01 năm và làm việc ít nhất 03 năm trong chuyên ngành được đào tạo.

Liên quan đến văn bản chứng minh là lao động kỹ thuật, Nghị định 11 và Thông tư 40 quy định cụ thể về một số văn bản chứng minh như sau:

  • Giấy tờ chứng minh hoặc văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài về việc người lao động nước ngoài đã được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật hoặc chuyên ngành khác với thời gian ít nhất 01 năm và chuyên ngành đó phải phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài sẽ làm việc tại Việt Nam; và
  • Giấy tờ chứng minh đã có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài sẽ làm việc tại Việt Nam.

Đối với lao động kỹ thuật, vấn đề đặt ra là thời hạn đào tạo 01 năm và thời hạn 03 năm kinh nghiệm làm việc có bắt buộc phải độc lập với nhau hay không? Liệu 01 năm đào tạo có thể thực hiện cùng lúc với thời hạn 03 năm làm việc tại vị trí với chuyên ngành được đào tạo không? Bởi lẽ, nhiều tổ chức nước ngoài có chính sách đào tạo nhân viên của mình và nhân viên này trong thời gian được đào tạo vẫn làm việc cho doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, quyết định chấp nhận hay không sẽ tùy thuộc từng trường hợp cụ thể cũng như quan điểm của chuyên viên phụ trách.

Về vị trí nhà quản lý

Nhà quản lý theo định nghĩa mới bổ sung trong Nghị định 11 là người quản lý doanh nghiệp theo quy định tại khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp  2014[1] hoặc là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của cơ quan, tổ chức.

Liên quan đến văn bản chứng minh là nhà quản lý, cả Nghị định 11 và Thông tư 40 cũng chưa có quy định cụ thể. Tuy nhiên trên thực tiễn giải quyết vụ việc và tham khảo ý kiến của cơ quan có thẩm quyền thì cũng giống như đối với chuyên gia, nhà quản lý chỉ cần cung cấp được văn bản xác nhận là nhà quản lý do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài mà người lao động đó đã từng làm việc xác nhận, miễn sao thể hiện rõ được vị trí công việc quản lý tương đương với vị trí sẽ làm việc tại Việt Nam và đầy đủ thông tin cơ bản (như với trường hợp của chuyên gia nêu trên). Đặc biệt đối với vị trí này, người lao động nước ngoài phải giữ vị trí quản lý tại một cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của nước ngoài trước khi sang Việt Nam giữ chức vụ quản lý, không có trường hợp người lao động làm tại vị trí khác không phải vị trí quản lý được sang làm nhà quản lý tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam.

Hy vọng rằng với những thông tin cập nhật về việc áp dụng Nghị định 11 nêu trên, chúng tôi đã giúp các doanh nghiệp hiểu rõ thêm quy định về hình thức người lao động nước ngoài là nhà quản lý, chuyên gia và lao động kỹ thuật khi sang làm việc tại Việt Nam.

———————

[1] Khoản 18 – Điều 4 – Luật Doanh nghiệp 2014: Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý công ty và người quản lý doanh nghiệp tư nhân, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty.

Nhận định khách hàng

“Làm luật sư không phải đơn thuần là một cái nghề, làm luật sư là một ơn gọi” - Ông Patrice Giroud - Chủ đầu tư dự án môi trường xanh

 

“ … Thấu hiểu doanh nghiệp nhỏ và nói bằng ngôn ngữ của chính họ …”  - Ông Lưu Vĩnh Phú, chủ chuỗi cửa hàng Bánh Cuốn Gạo

“Tôi phải nói rằng GKL là Công ty Luật rất chuyên nghiệp. GKL đã giúp chúng tôi hóa giải xử lý rất nhiều vấn đề pháp lý phức tạp. Dr Fuji luôn tin tưởng vào đội ngũ và dịch vụ của GKL” - Bà Nguyễn Thị Hải Hà /TGĐ Công ty Dr Fuji



 

“Dịch vụ xuất sắc - các luật sư phản hồi rất nhanh và có kiến thức chi tiết về khuôn khổ các quy định và pháp luật” - Ông Nguyễn Tấn Đông/GĐ Công ty Cồ Phần Đầu Tư Đèo Cả