CÔNG TY LUẬT TNHH MTV TRI THỨC VÀNG

CÔNG TY LUẬT TNHH MTV TRI THỨC VÀNG

Quy định mới về điều kiện thành lập và hoạt động cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Quy định mới về điều kiện thành lập và hoạt động cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Vừa qua, ngày 14/10/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 143/2016/ND-CP quy định cụ thể về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (“Nghị định 143”) thay thế cho Thông tư số 25/2015/TT-BLĐTBXH ngày 13/7/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp (“Thông tư 25”).

Điều kiện thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cho phép thành lập khi đáp ứng các điều kiện sau: (i) có đề án thành lập; (ii) phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam; (iii) quy mô đào tạo trình độ sơ cấp tối thiểu 150 học sinh/năm đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp; (iv) quy mô đào tạo trình độ trung cấp tối thiểu 250 học sinh/năm đối với trường trung cấp; (v) quy mô đào tạo trình độ cao đẳng và trình độ trung cấp tối thiểu là 500 học sinh, sinh viên/năm đối với trường cao đẳng; (vi) có địa điểm xây dựng cơ sở vật chất bảo đảm diện tích đất sử dụng tối thiểu đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp là 1.000 m2; đối với trường trung cấp là 20.000 m2; đối với trường cao đẳng là 50.000 m2; và (vii) vốn tối thiểu là 05 tỷ đồng đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 50 tỷ đồng đối với trường trung cấp, 100 tỷ đồng đối với trường cao đẳng.

Điều kiện thành lập phân hiệu của trường trung cấp, trường cao đẳng

Phân hiệu của trường trung cấp, trường cao đẳng được cho phép thành lập khi có đề án thành lập bao gồm các nội dung sau: (i) sự cần thiết thành lập phân hiệu; (ii) tên gọi, phạm vi hoạt động phân hiệu; (iii) kế hoạch xây dựng, phát triển và quy mô đào tạo tương ứng với từng giai đoạn phát triển phân hiệu; (iv) diện tích phòng học lý thuyết, phòng, xưởng thực hành dùng cho học tập, giảng dạy bảo đảm ở mức bình quân ít nhất là 04 m2/chỗ học; (v) Có đủ chương trình, giáo trình đào tạo của từng nghề đăng ký hoạt động và phải được xây dựng, thẩm định, ban hành theo quy định; (vi) Có đội ngũ giáo viên đạt tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm theo quy định của pháp luật; bảo đảm tỷ lệ học sinh quy đổi trên giáo viên quy đổi tối đa là 25 học sinh/giáo viên; đối với các nghề yêu cầu về năng khiếu, bảo đảm tỷ lệ học sinh quy đổi trên giáo viên quy đổi tối đa là 15 học sinh/giáo viên; và (vii) có giáo viên cơ hữu cho nghề tổ chức đào tạo.

Đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp

Bên cạnh việc tiếp tục duy trì các quy định tại Thông tư 25 trước đây, doanh nghiệp phải đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp khi: (i) tăng quy mô tuyển sinh của từng ngành, nghề đào tạo vượt từ 10% trở lên so với quy mô tuyển sinh/năm được cấp trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; (ii) bổ sung ngành, nghề đào tạo (mở ngành, nghề đào tạo mới); (iii) chia, tách, sáp nhập hoặc có sự thay đổi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có liên quan đến nội dung ghi trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; (iv) chuyển trụ sở chính hoặc phân hiệu hoặc địa điểm đào tạo đến nơi khác, mà trụ sở chính hoặc phân hiệu hoặc địa điểm đào tạo là nơi trực tiếp tổ chức đào tạo; (v) thành lập phân hiệu mới có tổ chức hoạt động đào tạo; hoặc (vi) mở thêm địa điểm đào tạo mới hoặc liên kết với các tổ chức, cá nhân để tổ chức hoạt động đào tạo ngoài trụ sở chính hoặc phân hiệu. Nghị định 143 đã bổ sung thêm một số trường hợp doanh nghiệp phải đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp, như: (i) bổ sung hoặc thay đổi trình độ đào tạo hoặc điều chỉnh quy mô tuyển sinh giữa các trình độ đào tạo và giữa các ngành, nghề trong cùng nhóm ngành, nghề; (ii) khi đổi tên cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp; hoặc (ii) thôi tuyển sinh hoặc giảm quy mô tuyển sinh đối với các ngành, nghề đào tạo đã được cấp trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Chia, tách, sáp nhập cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Việc chia, tách, sáp nhập cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải bảo đảm các yêu cầu sau: (i) phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch phát triển nhân lực của đất nước, ngành, địa phương; (ii) bảo đảm quyền lợi của người học, giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên và người lao động; góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp; và (iii) cơ sở giáo dục nghề nghiệp mới được hình thành sau quá trình chia, tách, sáp nhập phải đáp ứng đủ các điều kiện của một cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cho phép thành lập mới như trình bày ở trên.

Nghị định 143 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 14/10/2016.

Nhận định khách hàng

“Làm luật sư không phải đơn thuần là một cái nghề, làm luật sư là một ơn gọi” - Ông Patrice Giroud - Chủ đầu tư dự án môi trường xanh

 

“ … Thấu hiểu doanh nghiệp nhỏ và nói bằng ngôn ngữ của chính họ …”  - Ông Lưu Vĩnh Phú, chủ chuỗi cửa hàng Bánh Cuốn Gạo

“Tôi phải nói rằng GKL là Công ty Luật rất chuyên nghiệp. GKL đã giúp chúng tôi hóa giải xử lý rất nhiều vấn đề pháp lý phức tạp. Dr Fuji luôn tin tưởng vào đội ngũ và dịch vụ của GKL” - Bà Nguyễn Thị Hải Hà /TGĐ Công ty Dr Fuji



 

“Dịch vụ xuất sắc - các luật sư phản hồi rất nhanh và có kiến thức chi tiết về khuôn khổ các quy định và pháp luật” - Ông Nguyễn Tấn Đông/GĐ Công ty Cồ Phần Đầu Tư Đèo Cả