Chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư

Khoản 1 Điều 48 của Luật đầu tư 2014 quy định chi tiết các căn cứ dẫn đến hoạt động của dự án đầu tư bị chấm dứt, trong đó trường hợp dự án bị chấm dứt hoạt động theo quyết định của cơ quan đăng ký đầu tư, bao gồm:

1. Dự án đầu tư thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 47 của Luật này mà nhà đầu tư không có khả năng khắc phục điều kiện ngừng hoạt động;

2. Nhà đầu tư bị Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư hoặc không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư và không thực hiện thủ tục điều chỉnh địa điểm đầu tư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày có quyết định thu hồi đất hoặc không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư;

3. Dự án đầu tư đã ngừng hoạt động và hết thời hạn 12 tháng kể từ ngày ngừng hoạt động, cơ quan đăng ký đầu tư không liên lạc được với nhà đầu tư hoặc đại diện hợp pháp của nhà đầu tư;

4. Sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp được giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 46 của Luật này;

Theo đó, cơ quan đăng ký đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư sẽ đồng thời THU HỒI Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chấm dứt hiệu lực kể từ ngày quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư có hiệu lực [điểm c, khoản 2, Điều 41 của Nghị định 118].

Trong khi đó, đối với dự án đầu tư hoạt động theo Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh), cơ quan đăng ký đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư mà KHÔNG THU HỒI Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh). Trong trường hợp này, nội dung đăng ký kinh doanh tại Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) tiếp tục có hiệu lực [khoản 3, Điều 41 của Nghị định 118].

Mặc dù quy định có vẻ khác biệt giữa điểm c, khoản 2 (quy định chỉ thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ) và khoản 3 (không thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời giữ nguyên hiệu lực của nội dung đăng ký kinh doanh), Điều 41 của Nghị định 118, tuy nhiên các quy định này đều truyền đạt tư tưởng thống nhất của nhà làm luật là vẫn duy trì sự tồn tại của tổ chức kinh tế. Bởi lẽ, pháp luật về đầu tư kể cả cũ và mới đều có quy định rằng một tổ chức kinh tế có thể cùng thực hiện nhiều dự án. Do vậy, khi một dự án bị chấm dứt hoạt động thì vẫn còn (những) dự án khác đang được triển khai và cần duy trì hoạt động.

Qua thực tiễn giải quyết vụ việc khi chấm dứt hoạt động của dự án [được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh], cơ quan đăng ký đầu tư vẫn tiến hành thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư thông qua một quyết định thu hồi. Tuy nhiên, trong quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của cơ quan đăng ký đầu tư sẽ có phần thể hiện nội dung đăng ký kinh doanh của tổ chức kinh tế vẫn có hiệu lực theo quy định.

Như vậy, đối nhà đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) là cần thực hiện sớm thủ tục Tách Giấy chứng nhận đầu tư thành Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Khi đó cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành còn Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vẫn giữ nguyên hiệu lực để doanh nghiệp thực hiện các dự án khác. Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài nên chủ động tham vấn ý kiến của luật sư hoặc cơ quan đăng ký đầu tư để nắm rõ hơn quy định về thủ tục về việc thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư cũng như thủ tục ghi nhận hiệu lực của nội dung đăng ký kinh doanh hoặc tách Giấy chứng nhận đầu tư thành Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để tiếp tục hoạt động đầu tư tại Việt Nam.